Site icon KV999

Ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội: Cần hỗ trợ để ngành công nghiệp truyện tranh phát triển

Ông Franck Bolgiani, Viện trưởng Viện Pháp tại Hà Nội: Cần hỗ trợ để ngành công nghiệp truyện tranh phát triển - Ảnh 1.

Nằm trong khuôn khổ dự án FEF – sáng tạo (Fonds Equipe France – Création) và dự án Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo khu vực “Ngành truyện tranh ở Việt Nam và Campuchia: kết nối kinh nghiệm chuyên môn của Pháp”, Viện Pháp tại Việt Nam triển khai 5 hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của truyện tranh tại Việt Nam, trong đó có Master-classe (lớp đào tạo nâng cao với chuyên gia) truyện tranh diễn ra từ 23 – 27/9 tại NXB Kim Đồng, Hà Nội.

Lớp đào tạo này đã tuyển chọn 12 tài năng trẻ dưới sự hướng dẫn của 4 họa sĩ, chuyên gia của Pháp và Việt Nam, gồm Clément Baloup, Maxime Péroz, Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong. Dự kiến, các tác phẩm của 12 học viên sau khi hoàn thành từ khóa học này sẽ được NXB Kim Đồng lựa chọn in thành tuyển tập sách.

Ông Franck Bolgian, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, bày tỏ sự hi vọng rằng đây sẽ là những tác giả “làm nên chuyện” trong lĩnh vực truyện tranh trong tương lai. Ông đã dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện.

Truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em

* Tôi được biết, hoạt động hỗ trợ phát triển truyện tranh ở Việt Nam đang diễn ra nằm trong dự án EFE. Ông có thể nói về sự ra đời của dự án này từ đâu và dự án mong muốn thực hiện được những mục tiêu nào trong toàn bộ hành trình này?

– Viện Pháp tại Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hợp tác văn hóa liên quan đến sách trong nhiều năm qua như: hỗ trợ xuất bản, hỗ trợ mua bản quyền đối với các tác phẩm của Pháp được xuất bản tại Việt Nam (số lượng bản quyền mua được tăng đáng kể), đào tạo dịch giả, tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các nhà xuất bản Pháp và Việt Nam.

Dự án mới này (do Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp tài trợ thông qua quỹ dành riêng cho sáng tác) nhằm thúc đẩy sự phát triển của truyện tranh tại Việt Nam bằng cách hỗ trợ các nhà xuất bản cũng như các nhà sáng tạo (tác giả, họa sĩ minh họa).

Mục đích của dự án là góp phần quảng bá và xuất bản truyện tranh tại Việt Nam, dù truyện tranh dịch hay là truyện tranh do các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác. Từ nay đến tháng 11/2025, dự án sẽ được triển khai với nhiều giai đoạn khác nhau.

* Các chuyên gia từ Pháp và Việt Nam trong dự án này được lựa chọn như thế nào? Họ có những ưu việt gì trong việc đào tạo học viên cũng như khả năng thúc đẩy dự án thành công?

– 4 giảng viên của lớp thạc sĩ gồm hai tác giả người Pháp là Clément Baloup và Maxime Péroz, cùng hai tác giả Việt Nam là Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong đã được chúng tôi lựa chọn vì tài năng của họ đã được công nhận bởi các đồng nghiệp cũng như sự tín nhiệm từ các nhà xuất bản đã xuất bản sách cho họ.

Để thực hiện thành công khóa đào tạo này, các nghệ sĩ chuyên gia sẽ dựa vào kiến thức của riêng mình (kỹ thuật vẽ, kể chuyện) và sử dụng các kỹ năng của các học viên để thúc đẩy nhóm học viên tiến bộ hơn, thông qua các buổi trao đổi thực hành và tạo ra sản phẩm tập thể cuối cùng.

* Pháp được biết đến là nơi mà truyện tranh được bán chạy thứ 2 trên thị trường văn hóa đọc. Điều này đến từ đâu, thưa ông?

– Ở Pháp, mỗi năm có gần 80 triệu cuốn truyện tranh được bán ra, là loại sách được mua nhiều thứ hai ở Pháp, chiếm 24% thị trường và trở thành một phần đáng kể của ngành xuất bản Pháp.

Vì thế, truyện tranh thường được coi là “nghệ thuật thứ 9” ở đất nước chúng tôi và những tác giả như Hergé với Tintin, hay René Goscinny và Albert Uderzo với Asterix, đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ độc giả và phổ biến thể loại này. Hơn nữa, các sự kiện như Liên hoan Truyện tranh Quốc tế Angoulême – một trong những sự kiện uy tín nhất thế giới, giúp củng cố tầm quan trọng của truyện tranh trong xã hội Pháp.

* Theo ông, truyện tranh có phải loại truyện chỉ dành cho trẻ em?

– Tôi nghĩ truyện tranh vẫn có đa dạng độc giả. Nếu dựa trên thị trường truyện tranh ở Pháp, công chúng trưởng thành cũng là những độc giả chăm chỉ và đam mê với truyện tranh khi mỗi người đều có thể tìm thấy cho mình một thể loại phù hợp: hài hước, lịch sử, kỳ ảo, với nhiều lựa chọn đa dạng về phong cách đồ họa. Có thể kể đến như lĩnh vực khoa học viễn tưởng có trong tác phẩm Valérian et Laureline, hình sự, phiêu lưu, chính trị, hoặc thậm chí các chủ đề lịch sử và triết học trong Persepolis của Marjane Satrapi, Le Chat du Rabbin của Joann Sfar…

Việt Nam có truyền thống vẽ tranh từ rất lâu đời

* Bản thân ông, chắc cũng có khoảng thời gian đọc truyện tranh?

– Khi còn nhỏ, tôi đã rất yêu thích các tác phẩm kinh điển như Astérix, Lucky Luke, hay Gaston Lagaffe – những tác phẩm mang tính biểu tượng của Bỉ. Tôi nhớ mình thường đọc chúng trước khi đi ngủ. Sau đó, tôi đã khám phá một loại truyện tranh khác, đó là tiểu thuyết đồ họa, gần gũi hơn với tiểu thuyết văn học về định dạng và các chủ đề thường hướng tới người trưởng thành.

* Khi nói truyện tranh không chỉ là thể loại đọc để giải trí mà còn có tính chất giáo dục hay truyền tải thông điệp văn hóa, theo ông, những nội dung giáo dục như thế nào sẽ phù hợp với thể loại này?

– Có thể thấy, nhờ vào định dạng hình ảnh và cách kể chuyện, truyện tranh là một công cụ tuyệt vời để truyền tải nội dung giáo dục/văn hóa một cách dễ tiếp cận và hấp dẫn. Như tôi thấy, khi một số truyện tranh được sử dụng để minh họa các sự kiện lịch sử đã khiến cho người xem tiếp cận các sự kiện được sống động và gợi cảm xúc, từ đó dễ nhớ hơn.

Thực tế, hình ảnh giúp người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh và môi trường của những thời kỳ đã qua, trong khi cách kể chuyện giúp nhân hóa các sự kiện phức tạp. Vì thế, ngoài lịch sử, truyện tranh còn giúp đơn giản hóa các khái niệm khoa học phức tạp, với các minh họa làm cho chủ đề trở nên sinh động và ít đáng sợ hơn.

Truyện tranh cũng có thể được sử dụng để dạy ngoại ngữ, vì có sự kết hợp giữa văn bản và hình ảnh, giúp người đọc hiểu ngữ cảnh của từ ngữ và câu chữ.

Cuối cùng, nhiều truyện tranh còn đề cập đến các vấn đề môi trường, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề sinh thái.

* Khi tham gia dự án này, ông có tìm hiểu về truyện tranh ở Việt Nam không?

– Tất nhiên là có chứ! Tôi rất thích các tác phẩm truyện tranh của các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là hai giảng viên trong dự án này, họa sĩ Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong.

Trước đó, khi tìm hiểu về lịch sử truyện tranh của Việt Nam tôi còn rất ấn tượng với những tác phẩm đến từ làng tranh dân gian Đông Hồ. Tại đây, tôi đã được biết đến một Việt Nam có truyền thống vẽ tranh từ rất lâu đời và vô cùng đặc sắc. Như bức Đám cưới chuột thực sự là một tác phẩm truyện tranh thú vị với tôi!

Chính vì thế, tôi rất có niềm tin với thể loại truyện tranh ở Việt Nam trong tương lai. Tôi tin rằng từ người lớn đến trẻ nhỏ, sẽ ngày càng yêu thích thể loại này, giống như công chúng yêu thích truyện tranh trên thế giới, đặc biệt là ở Pháp. Và Viện Pháp tại Việt Nam rất mong muốn góp phần vào hành trình này.

* Vậy theo ông, truyện tranh ở Việt Nam đang có gì và cần có gì để hình thành một thể loại có thêm nhiều bạn đọc không chỉ trong nước mà quốc tế, như các nước như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã thành công?

– Theo quan sát của tôi cũng như số liệu các ấn bản truyện tranh phát hành tại Việt Nam đã được công bố, cộng đồng yêu thích truyện tranh Việt Nam đang mở rộng từng ngày. Chỉ cần ghé thăm các hiệu sách, đặc biệt là ở Hà Nội, là có thể nhận thấy điều này, mặc dù – hiện tại, độc giả chủ yếu vẫn là giới trẻ.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, số lượng ấn phẩm truyện tranh đang tăng lên nhưng hầu hết là các truyện dịch. Do đó, việc hỗ trợ các nghệ sĩ Việt Nam (tác giả, họa sĩ minh họa), các dịch giả và các nhà xuất bản là yếu tố thiết yếu để giúp ngành công nghiệp sách này phát triển và thu hút cả độc giả trưởng thành.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Viện Pháp tại Việt Nam triển khai 5 hoạt động trong khuôn khổ dự án FEF nhằm thúc đẩy sự phát triển của truyện tranh tại Việt Nam. Đó là: Cuộc thi sáng tác truyện tranh (diễn ra từ ngày 1/6 – 1/11 với phần thưởng giải Nhất là chuyến đi sang Pháp tham gia Liên hoan truyện tranh Angoulême); Master-classe truyện tranh diễn ra từ 23 – 27/9 tại NXB Kim Đồng; Workshop nâng cao năng lực cho dịch giả truyện tranh trẻ Việt Nam và Campuchia từ 30/9 – 2/10 tại NXB Kim Đồng; Hội thảo chuyên đề dành cho các nhà xuất bản truyện tranh Pháp – Việt Nam – Campuchia từ 23 – 25/10 tại Phnom Penh; và Fast-track tại Liên hoan Angoulême – liên hoan truyện tranh tiếng Pháp lớn nhất thế giới về danh tiếng và quy mô với sự tham gia của 5 nhà xuất bản từ Việt Nam và Campuchia, cùng một số họa sĩ truyện tranh tài năng.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ