Site icon KV999

Từ 7/10, Hà Nội áp dụng nhiều quy định mới về đất đai

Từ 7/10, Hà Nội áp dụng nhiều quy định mới về đất đai - Ảnh 1.

Từ ngày 7/10, Hà Nội sẽ áp dụng quy định mới về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội.

Tại Quyết định mới này, Hà Nội đã quy định cụ thể các nội dung như: rà soát, công bố công khai, lập danh mục và giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp hoặc nằm xen kẹt không có đường giao thông kết nối do Nhà nước quản lý (khoản 4 Điều 47 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP); văn bản chấp thuận về nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội (khoản 4 Điều 60 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP); điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý (khoản 3 Điều 59 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP).

Cùng với đó, Quyết định cũng quy định cụ thể các nội dung: lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất (khoản 3 Điều 55 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP); thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai (Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 (điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai); hạn mức công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp tự khai hoang (khoản 4 Điều 139 Luật Đất đai); hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân; hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn; điều kiện, diện tích tối thiểu để tách thửa, hợp thửa đất; xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích an ninh, quốc phòng…

Đáng chú ý, theo quy định chuyển tiếp, các trường hợp tách thành dự án độc lập đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của nhà nước quản lý (khoản 3 Điều 59 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP) mà chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ thực hiện theo quy định mới này. Các trường hợp đất không đủ điều kiện tồn tại theo quy định tại Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6/5/2011 (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015) của UBND thành phố phát sinh khi triển khai việc thu hồi đất, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mà dự án này đã được cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định thu hồi đất trước ngày 1/8/2024 tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 7/10/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý đất đai; chủ trì cùng các sở, ban, ngành, Cục thuế thành phố, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan rà soát, thẩm định việc đề xuất nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư của tổ chức kinh tế, trình UBND thành phố xem xét; tổng hợp, đề xuất các nội dung về đấu giá quyền sử dụng đất; công tác thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; hạn mức giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; điều kiện, diện tích tách thửa đất; phối hợp với UBND cấp huyện quản lý, sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý; căn cứ kết quả báo cáo của cấp huyện, tổng hợp báo cáo thành phố về tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất này trước ngày 31/12 hàng năm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có trách nhiệm chủ trì cùng các sở, ngành và UBND cấp huyện rà soát các dự án đầu tư theo quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 255 Luật Đất đai; trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản xác nhận tại khoản 9 Điều 255 Luật Đất đai; tham gia ý kiến trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, đúng thời gian quy định.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất; dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất mà có diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp có thẩm quyền; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà đầu tư; chịu trách nhiệm chính về quản lý đất đai, về tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết xây dựng; rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng đã được duyệt để điều chỉnh hoặc hủy bỏ để người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định; rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cập nhật, điều chỉnh theo định kỳ.

Đặc biệt, UBND cấp huyện phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng để nhân dân hiểu về những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng theo quy định; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, buông lỏng công tác quản lý theo chức trách, nhiệm vụ được phân công; giám sát việc sử dụng đất của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy hoạch, mục đích và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về trách nhiệm của người sử dụng đất, thành phố quy định, đối với trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, chủ đầu tư dự án phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện xác định ranh giới, bàn giao khu đất thu hồi đảm bảo không chồng lấn với các dự án liền kề. Đồng thời, chủ đầu tư dự án liên hệ với các sở, ngành liên quan để được hướng dẫn lập hồ sơ về dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, lập chỉ giới đường đỏ, quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, bảo vệ môi trường, cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy, chữa cháy và các thỏa thuận chuyên ngành khác, các quy định của Nhà nước và thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hồ sơ sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định.

Đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; bố trí đủ kinh phí để thực hiện việc giải phóng mặt bằng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả; kê khai và nộp các khoản nghĩa vụ tài chính về đất và các khoản thu khác (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo đúng thời hạn quy định của Luật Quản lý thuế; xây dựng công trình đúng mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt…

Đáng chú ý, theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội, 14 Quyết định cũ của thành phố liên quan đến đất đai sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 7/10/2024.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ