Nếu tính từ ngày 11/9 năm ngoái đến nay, tròn 1 năm và đội tuyển Việt Nam chỉ thắng được 3 trận đấu trước Palestine và Philippines (2 lần). Nói thẳng ra, chúng ta chỉ thắng được các đội yếu hơn mình và thua tất cả các trận đấu còn lại. Vì vậy, chuyện thua Thái Lan, trong chừng mực nào đó, cũng chỉ là “thêm” một thất bại, thứ đang dần trở nên quen thuộc.
Một cách khác để lý giải trận thua 1-2 trên sân Mỹ Đình, đó là suốt 26 năm qua, chúng ta chưa từng thắng Thái Lan trên sân nhà kể từ bán kết Tiger Cup 1998. Trong 29 trận đối đầu với họ kể từ khi hội nhập bóng đá quốc tế, chúng ta cũng chỉ thắng 3, thua đến 18…
Nói cách khác, kể cả khi có đội hình tốt nhất thì việc vượt qua Thái Lan cũng chưa bao giờ đơn giản, huống hồ gì trong tay HLV Kim Sang Sik đang là một đội bóng lạc lối cả về tinh thần lẫn lối chơi, chưa kể đây là thời gian mà cầu thủ không ở trạng thái thi đấu vì V-League chưa bắt đầu mùa mới.
Nhìn chung, không có gì đến mức phải kéo còi báo động. Ở hoàn cảnh hiện tại, cần phải chấp nhận một sự thật là khả năng giành kết quả tốt trước các đội ngang cơ hoặc có đẳng cấp cao hơn, là gần như không có. Thậm chí có thể khẳng định, chất lượng đội tuyển Việt Nam đã bị kéo lùi đến thời điểm năm 2017, lúc HLV Park Hang Seo chưa nhận việc chính thức. Thứ hạng FIFA hiện tại gần giống như 6 năm trước, đã phản ảnh tương đối thực trạng.
Thế nên câu hỏi phù hợp nhất ở thời điểm này, đó là đội tuyển Việt Nam liệu có còn “xuống” nữa hay không? Liệu đã chạm đến đáy hay chưa? Nếu đã đến đáy, thì khả năng tiến bộ có hay không, “lên” được đến đâu?
Đầu tiên phải thấy rằng đây không phải là thời điểm tốt nhất để đá với Thái Lan, “khắc tinh” của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn Nga và Thái Lan cho 2 trận FIFA Days tháng 9/2024 cho thấy VFF lẫn HLV Kim Sang Sik đã lường trước rủi ro thất bại. Chúng ta vẫn đang kiên trì với nỗ lực đưa đội tuyển vươn tầm khi suốt một năm qua, luôn chọn đối thủ mạnh hơn cho các trận giao hữu. Tất cả đều là những trận thua, đi kèm với nhiều bài học.
Điểm đáng chú ý nhất, dễ thấy nhất, đó là việc đội tuyển Việt Nam đánh mất khả năng phòng ngự, không thể thoát pressing khi bị đối thủ chủ động gây sức ép trên 1/3 sân nhà. Những trung vệ tốt nhất có từ thời HLV Park Hang Seo thì vẫn còn đó, nhưng ở 2 biên và vị trí tiền vệ trung tâm, thì đều sa sút về chất lượng. Thậm chí ở đội tuyển Việt Nam lẫn tại V-League hiện nay, không có một tiền vệ trung tâm xuất sắc nào cả. Thế nên Đỗ Hùng Dũng dù không còn là chính mình từ sau chấn thương nặng hồi 2021 đến nay, vẫn chưa có ai thay thế. Còn Tuấn Anh, vẫn là ngôi sao trong khoảng 60 phút.
Không chỉ thế, nguyên nhân sâu xa của việc để thủng lưới một cách liên tục, có hệ thống còn xuất phát từ sự thiếu hụt chất lượng ở tuyến trên. Trong bối cảnh V-League tràn ngập tiền đạo ngoại, thì đội tuyển chỉ còn một vài lựa chọn mang tính an toàn là Tiến Linh và Tuấn Hải.
Cả 2 đều không phải là mẫu cầu thủ có thể chơi pressing tốt để hỗ trợ phòng ngự từ xa. Đó là lý do mà ở trận đấu với Thái Lan, đối thủ chỉ cần có bóng phản công là khung thành Filip Nguyễn lại rơi vào nguy hiểm. Họ chỉ tung ra 5 cú sút, thì 2 thành bàn. Trước đó, những trận thua Indonesia cũng ở kịch bản tương tự. Chúng ta hiện không thể chống phản công, kể cả đá với những đội bị đánh giá thấp hơn.
Điều đó khiến cho công việc của HLV Kim Sang Sik thêm phần nặng nề. Nhà cầm quân người Hàn Quốc này chỉ gói gọn kinh nghiệm sự nghiệp ở một đội bóng rất mạnh tại Hàn Quốc, nơi mà việc tổ chức chiến thuật sẽ dễ hơn nhiều so với một tập thể đang sa sút và thiếu nguồn lực thay thế như đội tuyển Việt Nam. Điều này khác hẳn người đồng hương Park Hang Seo. Lúc ông Park đến, cả ông lẫn đội tuyển đều ở mức rất thấp, mọi thứ dễ chấp nhận hơn bây giờ rất nhiều.
Thế nên, trận thua Thái Lan nhìn nhận theo cách tích cực thì vẫn sẽ tốt cho nhiệm vụ sắp đến của ông Kim Sang Sik. Càng ít được kỳ vọng, càng giúp cho ông có lựa chọn tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup.