Danh họa Hồ Hữu Thủ sinh ngày 25/8/1943 (nhiều nơi ghi 1940 hoặc 1942) qua đời lúc 16h24 ngày 9/9/2024, sau hơn 20 ngày nhập viện tại TP.HCM. Nửa thế kỷ qua, ông là một trong những bậc thầy của tranh sơn mài Việt Nam.
Từ năm 1990, Hồ Hữu Thủ là một trong số ít họa sĩ Việt Nam ra nước ngoài làm triển lãm cá nhân. Ông cũng được Huy chương Bạc tại Triển lãm toàn quốc năm 1990.
Tranh ông thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM…, và nhiều bộ sưu tập tư nhân ở Việt Nam, Singapore, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Anh, Bỉ, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Thái Lan… Thành công này đến từ nhiều lý do, nhưng từ khả năng canh tân sơn mài và quan niệm về sự vô niệm là 2 lý do rất quan trọng. Vì trước đây báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có bài nói về sơn mài cách tân của Hồ Hữu Thủ, nên trong bài này chỉ tập trung vào hành trình vô niệm của ông.
Từ bức sơn mài đầu tiên
Năm 1972, lần đầu tiên Hồ Hữu Thủ triển lãm cá nhân tại Alliance Française Sài Gòn, bày 30 bức tranh, trong đó chỉ có 1 bức sơn mài khổ 80cmx 100cm, đặt tên là Cô gái và chim đại bàng. Bức này nhiều người hỏi mua, thích, về sau thì một Việt kiều Pháp đã trả 3.000 USD để sở hữu, theo thời giá lúc ấy, đây là một con số khá đáng kể.
Hơn nửa thế kỷ qua, dù có bị đứt quãng sáng tác trong vài năm, nhưng căn bản Hồ Hữu Thủ đã liên tục gắn liền với giá vẽ, luân phiên giữa sơn dầu và sơn mài, giữa biểu hình và trừu tượng.
Quê gốc Nghệ An, sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, một cái nôi sơn mài (gồm cả sơn ta và sơn Nam Vang), nên Hồ Hữu Thủ từ nhỏ đã ấp ủ với vật liệu này. Bên cạnh sở trường sơn dầu, từ năm 1985, ông đã sáng tác thường xuyên hơn với sơn mài, gồm cả chất liệu biểu hình và trừu tượng.
Từ 1955 đến 1959, Hồ Hữu Thủ học trang trí nội thất, mỹ thuật ứng dụng tại Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 1960, ông vào học tại Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, hành nghề giảng dạy mỹ thuật. Hoàn cảnh thời đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến chọn lựa và quan niệm sáng tác của Hồ Hữu Thủ. Ông không muốn đi vào các đề tài tang thương, chết chóc, đau khổ, mà tìm kiếm những khoảng trời bình yên, tươi đẹp.
Sau 1975, Hồ Hữu Thủ từng được mời về làm trưởng phòng kỹ thuật của Xí nghiệp quốc doanh sơn mài Thành Lễ trong các năm 1978-1981. Từ năm 1982 đến 1992, thông qua một công ty xuất nhập khẩu về mỹ thuật, vốn trực thuộc Sở Ngoại thương TP.HCM, Hồ Hữu Thủ vẽ tranh cho người Pháp, nên khá tự do trong chọn lựa đề tài và ngôn ngữ sáng tác. Chính giai đoạn này giúp ông định hình về sơn mài, dù trước đó ông đã khá thành công về sơn dầu.
Với sơn mài, từ cuối thập niên 1980, ông đã làm những việc “không giống ai”: sơn mài mà không mài; kết hợp với bề mặt kỷ hà, phù điêu; dán bố; làm với vật liệu tổng hợp… Ông là bậc thầy tiên phong về đa dạng vật liệu sơn mài.
Tới việc đi vào trạng thái “vô niệm”
Sinh thời, Hồ Hữu Thủ quan niệm: “Vẽ là để đi vào trạng thái vô niệm, không cảm hứng, không cảm xúc, không lý trí. Khi làm chủ kỹ thuật và nguồn sáng tạo có sẵn rồi, thì mới vẽ vô niệm được. Khi bước vào vô niệm, giống như mở cánh cửa ra, lấy đồ có sẵn bày lên mặt toan, tác phẩm hình thành một cách vô thức, không rào cản”.
Có lẽ vì quan niệm này mà giữa tranh biểu hình và trừu tượng của Hồ Hữu Thủ có một nhịp cầu hữu cơ, khăng khít. Chúng khác nhau về bề mặt, nhưng giống nhau về tinh thần và quan niệm thẩm mỹ. Ví dụ như loạt tranh biểu hình vẽ thiếu nữ và ngựa, vốn là một đặc trưng của Hồ Hữu Thủ, thì ông cũng không trụ vào một câu chuyện nào cụ thể, ở đó chỉ còn là những tín hiệu hình ảnh, để người xem muốn nghĩ gì, cảm gì, thì tùy theo ý mình. Nó có tinh thần trừu tượng.
Hồ Hữu Thủ chia sẻ thêm: “Hồi trẻ tôi vốn rất mê đọc và nghiên cứu sách văn học, triết học, mỹ học, tôn giáo từ Đông sang Tây. Nhờ đó mà tôi tự du nhập cho mình kiến thức của nhiều trường phái như ấn tượng, trừu tượng, siêu thực… một cách tự nhiên. Tôi vẽ là để phóng chiếu tâm thức đi tìm cái đẹp, cái chân, cái thiện. Nhưng trên hết, nghệ thuật phải lấy nhân bản, mỹ cảm làm gốc, chứ không phải là ý tưởng, trường phái”.
Chính những điều này đã làm nên 2 trạng thái của vô niệm của Hồ Hữu Thủ. Một vô niệm trong tranh biểu hình, một vô niệm trong tranh trừu tượng. Như nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận định: “Người, vật, thiên nhiên đều đã được lựa chọn và biểu tượng hóa, không còn hợp lý với cái nhìn bình thường, tất cả đều hiện ra trong một bầu không khí chung đẹp đẽ, tươi mát, hồn nhiên, tổng hòa trong một bút pháp vừa thực vừa siêu thực, để đi tới một cái đẹp tinh túy của nghệ thuật tượng trưng”.