Diễn viên vĩ đại bậc nhất nước Mỹ James Earl Jones – người có chất giọng trầm vang dội từng lồng tiếng chúa tể hắc ám Darth Vader trong Star Wars – vừa qua đời ở tuổi 93. Là ông hoàng điện ảnh, Jones là tiếng nói lịch sử, mang đi thông điệp về tình yêu và sự tự tôn.
Jones cũng từng đóng chính trên sân khấu, trong các tác phẩm kinh điển như The Great White Hope, The Lion King, và đã giành được hai giải Tony trong sự nghiệp của mình.
Giọng nói độc đáo nhất
James Earl Jones qua đời tại nhà riêng ở hạt Dutchess, New York (Mỹ) ngày 9/9 – theo thông báo từ người đại diện của ông. Thông báo không nêu nguyên nhân cái chết.
Trong số những người bày tỏ lòng kính trọng đối với Jones có tác giả của Star Wars là George Lucas – người ca ngợi ông là “một diễn viên đáng kinh ngạc, một giọng nói độc đáo nhất về cả mặt nghệ thuật và tinh thần”. Mark Hamill, người đóng vai Luke Skywalker – con trai của Darth Vader trong Star Wars – thì nhắn nhủ: “An nghỉ nhé bố”!
“Giọng nói vang dội đó. Sức mạnh thầm lặng đó. Lòng tốt mà ông ấy lan tỏa” – Kevin Costner, bạn diễn của Jones trong Field of Dreams, viết – “Có rất nhiều điều có thể nói về di sản của ông, vì vậy tôi chỉ muốn nói rằng tôi vô cùng biết ơn khi là một phần trong đó, bao gồm Field of Dreams”.
Diễn viên Octavia Spencer tôn vinh tác động lớn lao của Jones với nền điện ảnh. Còn diễn viên Colman Domingo miêu tả ông là “bậc thầy trong nghề của chúng tôi. Chúng tôi đứng trên vai ông. Hãy yên nghỉ. Ông đã cống hiến hết mình”.
Thật ra, Jones không phải là lựa chọn ban đầu cho vai Vader. Vận động viên thể hình người Anh David Prowse đã được chọn trong bộ phim đầu tiên, phát hành năm 1977 vì có vóc dáng đồ sộ. Tuy nhiên, đạo diễn George Lucas không hài lòng với chất giọng miền Tây đặc sệt của Prowse.
Thế là, Jones được giao nhiệm vụ tái hiện lại những lời thoại đầy đe dọa của Vader, ghi đậm dấu ấn của một kẻ ác bất tử ngay khi mở miệng. Không phải là cái tên lớn vào thời điểm đó, Jones tự coi mình là “hiệu ứng đặc biệt” và không được ghi nhận cho đến bộ phim Star Wars thứ 3, The Return of the Jedi, vào năm 1983.
Tổng cộng, giọng nói của Jones có thể nghe thấy trong 6 bộ phim Star Wars, gồm bộ 3 phim gốc, cộng với The Revenge of the Sith (2005), Rogue One (2016) và The Rise of Skywalker (2019) – cũng như phần đặc biệt Holiday Special (1978) và loạt phim truyền hình Star Wars: Rebels phát sóng từ năm 2014 đến năm 2018.
Jones cũng đã thành công rực rỡ với một vai lồng tiếng khác: Mufasa trong bộ phim hoạt hình The Lion King năm 1994 của Disney với chất giọng khắc cốt ghi tâm nhiều thế hệ. Ông đã đảm nhận lại vai này trong bản làm lại năm 2019 do Jon Favreau đạo diễn, đem tới hơi thở quen thuộc cho câu chuyện.
“Giống như Sidney Poitier, Harry Belafonte hay Paul Robeson, Jones là diễn viên người Mỹ gốc Phi có giọng nói tuyệt vời, là chìa khóa cho phẩm giá và lòng tự trọng của ông với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn. Đó là cách các nhân vật của ông vượt lên trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự tàn ác” – nhà phê bình phim Peter Bradshaw tri ân Jones.
Người da đen xuất chúng
Vào thời điểm lồng giọng Mufasa, James Earl Jones đã đạt được danh tiếng lớn và sự nghiệp đáng kể với tư cách là một diễn viên sân khấu.
Sinh ra tại Mississippi vào năm 1931, Jones lớn lên ở Michigan sau khi gia đình ông chuyển đến đó trong thời kỳ Đại di cư. Cha ông là diễn viên Robert Earl Jones – người từng diễn trong vở kịch Don’t You Want to be Free? của Langston Hughes, cũng như một loạt phim của nhà tiên phong điện ảnh người Mỹ gốc Phi Oscar Micheaux và một số bộ phim Hollywood nổi tiếng bao gồm The Sting, trong vai kẻ lừa đảo Luther Coleman. Tuy vậy, Jones cha đã bỏ rơi gia đình từ trước khi Jones chào đời và họ ít liên lạc cho đến những năm 1950.
Jones bị tật nói lắp khi còn nhỏ, nhưng ông đã vượt qua được nhờ sự giúp đỡ của một giáo viên. Sau khi học kịch tại Đại học Michigan và tham gia quân ngũ một thời gian, Jones nhanh chóng khẳng định mình là một nghệ sĩ sân khấu, ra mắt trên sân khấu Broadway vào năm 1958 với một vai nhỏ trong Sunrise at Campobello.
Jones đã biểu diễn trong một loạt các tác phẩm lớn vào những năm 1960, bao gồm The Blacks của Jean Genet, Baal của Bertolt Brecht và Danton’s Death của Georg Buchner. Ông cũng xuất hiện trong nhiều vở kịch của Shakespeare trên sân khấu Broadway, trong số đó có The Merchant of Venice, Coriolanus, The Winter’s Tale và nổi tiếng nhất là trong Othello năm 1964.
Cùng lúc đó, Jones bắt đầu tìm được vai diễn trên màn ảnh. Vai diễn đầu tay của ông là phi công Lothar Zogg trong bộ phim châm biếm về chiến tranh hạt nhân Dr Strangelove của Stanley Kubrick.
Năm 1967, Jones đã giành được vai diễn có thể coi là định nghĩa của mình trên sân khấu – võ sĩ quyền anh Jack Jefferson, được mô phỏng theo huyền thoại Jack Johnson ngoài đời thực, trong vở kịch The Great White Hope của Howard Sackler.
Jones đã thắng giải Tony cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1969, và sau đó tiếp tục đóng vai chính trong bộ phim chuyển thể năm 1970 do Martin Ritt đạo diễn. Lần này, ông lại nhận được đề cử Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, là diễn viên da đen thứ 2 được đề cử cho giải thưởng này.
Bộ phim cũng mang đến cho Jones vị thế nam diễn viên hàng đầu ở Hollywood, và ông đã tận dụng những cơ hội mới dành cho các diễn viên người Mỹ gốc Phi vào thời điểm đó. Ông xuất hiện trong The Man với vai thượng nghị sĩ trở thành Tổng thống da đen đầu tiên, và trong Claudine – một bộ phim hài lãng mạn đóng cùng Diahann Carroll (người được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn của mình).
Star Wars và các phần tiếp theo đã củng cố sự hiện diện của Jones trong nền điện ảnh chính thống. Ông cũng củng cố danh tiếng nhờ một loạt vai phụ trong các bộ phim lớn, trở thành một trong những diễn viên người Mỹ da đen nổi tiếng nhất vào những năm 1980 và 1990. Ông vào vai phản diện Thulsa Doom đối đầu với Arnold Schwarzenegger trong Conan the Barbarian, bố của Eddie Murphy trong Coming to America, tác giả Terence Mann trong Field of Dreams và phó giám đốc CIA trong The Hunt for Red October.
Jones vẫn tiếp tục xuất hiện trên sân khấu bất cứ khi nào có thể: Ông đóng vai chính trong tác phẩm đầu tay Fences của August Wilson, giành giải Tony thứ 2 vào năm 1987 cho vai diễn người thu gom rác thải Troy Maxson, và vai tài xế Hoke Colburn trong tác phẩm Driving Miss Daisy năm 2010. Năm 2013, ông vào vai Benedick, đóng cùng Vanessa Redgrave trong Much Ado About Nothing do Mark Rylance đạo diễn.
Qua đời ở tuổi 93, Jones để lại khối lượng tác phẩm khổng lồ, là một trong những diễn viên đa năng nhất nước Mỹ trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Ông cũng là một trong những diễn viên người Mỹ được ngưỡng mộ nhất mọi thời đại. Năm 2011, nam diễn viên được đề cử giải Oscar Alec Baldwin gọi ông là “một trong những diễn viên vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Jones được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Sân khấu Mỹ năm 1985, được vinh danh với Huân chương Nghệ thuật Quốc gia năm 1992, Giải thưởng Trung tâm Kennedy năm 2002, Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh năm 2009, Giải thưởng Viện Hàn lâm danh dự năm 2011 cùng rất nhiều giải thưởng danh giá khác.
Hơn thế, tác phẩm của ông được ghi nhận là có tác động lớn đến người Mỹ gốc Phi. Nữ diễn viên đoạt giải Oscar Viola Davis cho biết sự nghiệp của Jones phản ánh “sự xuất sắc của người da đen”.
“Giống như một thiên thần da đen. Ngay cả khi bị giày vò bởi đau khổ, sự hiện diện của ông vẫn có sức mạnh gần như đạo đức, và giọng nói của ông rền lên nỗi thống khổ của con người một cách trần trụi” – nhà phê bình Clive Barnes nói về các vai diễn của Jones.
Năm 1968, Jones kết hôn với nữ diễn viên kiêm ca sĩ Julienne Marie – người mà ông gặp khi diễn Othello – năm 1964. Họ không có con và ly hôn năm 1972. Mười năm sau, ông kết hôn với nữ diễn viên Cecilia Hart, có chung một con trai là Flynn, cũng là một diễn viên. Hart qua đời vì ung thư buồng trứng vào năm 2016. Jones từ đó sống cùng con trai.
Vào tháng 4/2016, Jones lần đầu trò chuyện trước công chúng sau gần 20 năm về cuộc chiến lâu năm với bệnh tiểu đường tuýp 2. Ông bị chẩn đoán mắc bệnh vào giữa những năm 1990, sau khi bác sĩ phát hiện ông ngủ quên khi tập thể dục tại phòng tập.